MÀU MEN
Lên màu từ men bí truyền của gia đình
ĐẶT HÀNG NGAY
Hotline: 0865 109 679
KỸ THUẬT NUNG
Sản phẩm được nung 2 lần tạo nên chất riêng đặc sắc
TINH TẾ
Trong từng sản phẩm làm ra
Giữ lửa nghề gốm
Trước kia làng làm gốm Mỹ Thiện có hơn 30 hộ, thế nhưng bây giờ không còn hưng thịnh như ngày xưa, nhiều người đã bỏ nghề vì sự vất vả, nhọc nhằn, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường. Nghệ nhân Trịnh đã bao lần thao thức, trăn trở với việc bỏ hay giữ lại cái nghề của làng, của cha ông mỗi khi phải đối mặt với những khó khăn, túng thiếu. Nhưng rồi ông tự động viên mình phải cố sống với nghề, phải làm sao giữ được cái nghề truyền thống. “Cả làng gốm Mỹ Thiện từ nhiều năm nay chỉ còn một mình tôi giữ nghề, nhưng các sản phẩm tôi làm và bán ra thì ai cũng gọi là gốm Mỹ Thiện. Vì thế tuy mình có khổ, nhưng cái tên làng nghề của mình còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay là tôi hạnh phúc”, ông Trịnh thổ lộ.
Các sản phẩm của gốm Mỹ Thiện chủ yếu là đồ gia dụng như: chum, ghè, các loại vò, ché, bình vôi, hũ, thạp, ấm trà, bình hoa, tượng động vật…Trong đó có một số sản phẩm được tráng men như: bình hoa, bình vôi, tượng động vật, ấm trà, ché đựng rượu… Men gốm Mỹ Thiện có màu từ tím đậm đến tím nhạt, vàng, vàng ngã sang xanh ngọc. Sự sinh động của hoa văn như hình rồng, phụng, chuột, hoa, lá, 12 con giáp…
Gia đình nhiều đời làm nghề gốm nên ông Trịnh quyết không để lò gốm của nhà mình tắt lửa. Ông chuyên tâm học hỏi các kỹ thuật làm gốm thủ công từ cha mình là cụ Đặng Thạnh, một nghệ nhân có tiếng của làng gốm Mỹ Thiện. Duyên số hơn, bà Phạm Thị Thu Cúc (vợ ông Trịnh) cũng xuất thân trong gia đình truyền thống làm gốm nên cùng nhau nuôi chí phục hồi gốm Mỹ Thiện.
Tên tuổi gốm Mỹ Thiện dần được phục hồi trong làng gốm sứ Việt Nam. Đặc biệt, để chinh phục những khách hàng khó tính, họ còn tìm cách phục hồi công thức pha chế men gốm cổ truyền từ đá núi trong vùng. “Một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc, lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung và màu sắc của sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ. Nhìn vào lớp men gốm có thể thấy được kỹ thuật điêu luyện và sự tài hoa của người làm gốm đạt đến giới hạn nào”, ông Trịnh chia sẻ.
Nhờ đôi bàn tay tài hoa và công sức phục hồi làng gốm truyền thống Mỹ Thiện, năm 2016, ông Trịnh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Điều đáng mừng là những sản phẩm gốm do gia đình nghệ nhân Trịnh làm ra như chum, ché, độc bình men… đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Bình Sơn, được thị trường rất ưa chuộng. Một khi làng gốm Mỹ Thiện thu hút được du khách, phát triển du lịch làng nghề thì những sản phẩm men gốm độc đáo vốn có tuổi đời 200 năm sẽ thoát khỏi nguy cơ bị mai một.
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư chia sẻ: “Gốm Mỹ Thiện nếu mai một sẽ là điều tiếc nuối. Gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh vẫn đang cố gắng gìn giữ nghề truyền thống này. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ lâu dài cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Chúng ta phải tìm cách gầy dựng, liên kết được thêm nhiều hộ lành nghề gốm, cùng với hộ ông Trịnh mở rộng quy mô sản xuất, thì đây sẽ là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn”.